GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 12
“ Chào cờ đầu tuần”
CUỐN SÁCH : “ 24 GƯƠNG HIẾU THẢO”
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm
Trong thời buổi hiện nay, giá trị của câu ca dao càng thêm ý nghĩa. Chữ " hiếu " luôn là một thước đo để đánh giá nhân cách con người. Một người không hiếu thảo, kính trọng ông bà, cha mẹ thì không thể trở thành một người tốt trong xã hội. Trong thời buổi bây giờ, có rất nhiều những tấm gương hiếu thảo mà ta cần tuyên dương . Nhưng đâu đó trong cuộc sống hiện đại này vẫn còn đó những người con bất hiếu với cha mẹ. Từ những hành động tưởng chừng như rất nhỏ ( không giúp đỡ cha mẹ việc nhà, ăn chơi đua đòi,... ), họ có thể làm bất cứ việc gì với cha mẹ của mình. Cuộc sống hiện đại, đáng lẽ con người ta phải thanh lịch, tao nhã hơn nhưng vẫn có những người con hư đốn đến vậy. Đó là một biểu hiện sự đi xuống về tình cảm và cách ứng xử của con người. Với chúng ta, lòng hiếu thảo là một mục đích sống cao đẹp. Vì vậy hãy luôn để lòng hiếu thảo trong bạn trở thành những hành động cụ thể với mọi người.
hôm nay thư viện nhà trường giới thiệu tới quý thày cô và các bạn cuốn sách “ 24 gương hiếu thảo”.
Hiếu nghĩa với bậc sinh thành từ lâu đã trở thành truyền thống đạo lý làm người được ngợi ca, nhất là ở phương Đông. Người Việt Nam cũng luôn xem tình cảm gia đình là thiêng liêng, cao quý nhất, trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời điểm nào, và không giờ phút nào lại không nghĩ đến công ơn sinh thành dưỡng dục cù lao của cha mẹ:
“Công Cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Trong đó, “Nhị thập tứ hiếu” hay “24 tấm gương hiếu thảo” của tác giả Quách Cư Nghiệp là một tác phẩm gia huấn dưới dạng thơ được phổ biến rộng rãi trong dân chúng. Tại Việt Nam, quyển sách “24 gương hiếu thảo - Nhị thập tứ hiếu” do Huy Tiến biên soạn dưới dạng văn xuôi và có minh họa bằng hình ảnh, được Nxb. Thanh Hóa ấn hành năm 2017 sẽ giúp các bạn tìm hiểu tác phẩm bằng một hình thức sinh động hơn.
Với độ dày 200 trang, cuốn sách minh họa hình ảnh sinh động, đặc sắc, quyển sách đã nêu bật những giá trị tình cảm, đạo đức cao quý mà mọi thế hệ, mọi thời đại đều ngưỡng vọng, noi theo qua tấm gương hiếu thảo của 24 nhân vật nổi tiếng lưu danh từ ngàn xưa: Vua Thuấn, Đổng Vĩnh, Mẫn Tử Khiên, Thái Thuận, Lục Tích, Giang Cách, Đinh Lan, Chu Thọ Xương, Lão Lai Tử, Vương Thôi, Hoàng Hương, Ngô Mãnh, Quách Cự, Mạnh Tông, Tử Lộ. Trong 24 câu chuyện hiếu thảo được đề cập trong quyển sách, có những câu chuyện thực sự gây xúc động như chuyện Vua Thuấn, Mẫn Tử Khiên, Tử Lộ; Có những câu chuyện pha lẫn thần thoại, có sự can thiệp của đấng siêu nhiên như chuyện Mạnh Tông, Đổng Vĩnh, Vương Tường, Khương Thi.
24 tấm gương đều toát lên tấm lòng tận hiếu của bậc làm con, nhưng cách thể hiện lòng hiếu thảo thì mỗi người một vẻ. Có một câu chuyện có phần cực đoan, không thuyết phục, nhất là đối với xã hội hiện nay. Tuy nhiên, tác phẩm vẫn là những bài học đạo đức đáng quý về lòng hiếu thảo.
Cuốn sách “24 gương hiếu thảo - Nhị thập tứ hiếu” không chỉ đề cao đạo hiếu, là những bài học đạo đức đặt trong bối cảnh xã hội phong kiến thời xưa, mà giới trẻ hôm nay vẫn có thể thấy ở đây những bài học quý giá phù hợp với thời đại. Không chỉ là sách dành cho thiếu nhi, đây là tác phẩm có thể nói là dành cho tất cả mọi người, nhận thức được tầm quan trọng của lòng hiếu thảo, để từ đó sống và cư xử văn minh, tốt đẹp hơn với tất cả mọi người, không chỉ trong gia đình mà trong toàn xã hội.
Khắp thế gian, có ai tốt bằng mẹ ?
Gánh cuộc đời, cho con trẻ bay xa
Nghĩa tình nào, đong đếm hết công cha
Mẹ và cha, trên đời là quý nhất
Mẹ là đường, cha là mái trường tri thức
Dìu dắt con, từng nấc thang cuộc đời
Dù khổ cực, không than trách sầu rơi
Hiến cả đời, hi sinh vì con trẻ.
CÁN BỘ THƯ VIỆN T/M NHÀ TRƯỜNG